Theo điểm m khoản 1 điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 thì:
Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;
Khoản này được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 3 của Nghị định 158/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 như sau:
Điều 3. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
2. Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh quy định tại điểm m khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai;
b) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ ngày 01 tháng 7 năm 2029.
Theo đó thì việc tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh áp dụng từ ngày 01/7/2025 như sau:
1. Đối tượng tham gia:
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo phương pháp kê khai.
(Lưu ý: Đối với các Chủ hộ kinh doanh khác, thời điểm tham gia BHXH, BHYT bắt buộc là từ ngày 01/7/2029).
2. Mức đóng:
Tiền lương tháng làm căn cứ đóng: Do đối tượng tham gia (Chủ hộ kinh doanh) tự lựa chọn
Nhưng phải đảm bảo:
+ Mức thấp nhất: Bằng mức lương tham chiếu (hiện tại là 2.340.000 đồng).
+ Mức cao nhất: Bằng 20 lần mức lương tham chiếu tại thời điểm đóng.
Lưu ý: Người tham gia (Chủ hộ kinh doanh) được lựa chọn lại mức tiền lương làm căn cứ đóng sau khi đã thực hiện đóng BHXH, BHYT ít nhất 12 tháng.
3. Tỷ lệ đóng: Bằng 29,5% trên mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng, bao gồm: 
+ Quỹ hưu trí và tử tuất: 22%.
+ Quỹ ốm đau và thai sản: 3%.
+ Quỹ BHYT: 4,5%.
4. Phương thức đóng: Đóng hằng tháng, 03 tháng một lần hoặc 06 tháng một lần.
Trường hợp đóng thông qua đơn vị (hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) mà đơn vị đó đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho NLĐ khác, thì áp dụng phương thức đóng hằng tháng cùng với đơn vị.
Lưu ý:
+ Chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc nếu đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 06 tháng theo quy định tại khoản 7 Điều 33 của Luật BHXH 2024.
+ Trường hợp Chủ hộ kinh doanh đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia khác nhau thì thực hiện như sau:
+/ Chủ hộ kinh doanh đồng thời là dân quân thường trực: tham gia theo đối tượng dân quân thường trực.
+/ Chủ hộ kinh doanh đồng thời là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố: tham gia theo đối tượng người hoạt động không chuyên trách.
+/ Các trường hợp khác: thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 158/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ
5. Hộ kinh doanh cần thực hiện
- Khẩn trương rà soát, xác định NLĐ và các đối tượng mới thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bắt buộc theo quy định.
- Lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN lần đầu (đối với đơn vị mới, theo Mẫu TK3-TS kèm bản sao các văn bản pháp lý liên quan đến việc thành lập, điều chỉnh thông tin của đơn vị); Báo tăng lao động (Mẫu D02-LT) và nộp cho cơ quan BHXH qua giao dịch điện tử trong vòng 30 ngày kể từ khi NLĐ và các nhóm đối tượng mới thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN bắt buộc.
- Chủ động liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Lưu ý: Chủ hộ kinh doanh có thể đăng ký tham gia BHXH, BHYT trực tiếp với cơ quan BHXH.
Hồ sơ gồm Tờ khai tham gia điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).