Tổng hợp các công văn hướng xử lý hóa đơn điện tử theo thông tư 78/2021/TT-BTC và nghị định 123/2020/NĐ-CP mới nhất năm 2024
Được lập hoá đơn điều chỉnh cho các khoản giảm giá và chiết khấu
Theo Công văn số 4991/TCT-CS ngày 5/11/2024 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với giảm giá hàng bán và chiết khấu thương mại thì:
Về nguyên tắc, khi chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hoá, dịch vụ thì số tiền chiết khấu của hàng hoá đã bán được tính điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trường hợp số tiền chiết khấu được lập khi kết thúc chương trình (kỳ) chiết khấu hàng bán thì được lập hoá đơn điều chỉnh kèm bảng kê các số hoá đơn cần điều chỉnh, số tiền, tiền thuế điều chỉnh. Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh thu, tiền thuế tương ứng.
Do đó, trường hợp Công ty phát sinh khoản giảm giá hàng bán (là khoản giảm giá cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách thoả thuận trong hợp đồng) và chiết khấu thương mại theo thoả thuận tại Hợp đồng nguyên tắc, phụ lục hợp đồng và các hợp đồng mua bán hàng hoá đã ký kết, đồng thời Công ty có đầy đủ hồ sơ chứng từ, tài liệu chứng minh cho việc giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại nêu trên thì được lập hoá đơn điều chỉnh. Căn cứ hoá đơn điều chỉnh đã lập, Công ty thực hiện kê khai điều chỉnh doanh thu bán hàng theo quy định.
Xử lý hóa đơn khi thay đổi địa chỉ kinh doanh
Theo Công văn số 47287/CTHN-TTHT ngày 21/8/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội chính sách thuế về hóa đơn thì:
Trường hợp Công ty thay đổi địa chỉ trụ sở chính đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 03/7/2024) thì kể từ ngày 03/7/2024 khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, Công ty phải lập hóa đơn để giao cho người mua và trên hóa đơn phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đăng ký thay đổi lần thứ 2) theo quy định tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ.
Sau khi Công ty hoàn tất thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở chính thì phải gửi mẫu số 01/ĐKTĐ-HĐĐT tới cơ quan thuế để thay đổi địa chỉ Công ty trên hóa đơn điện tử trước khi xuất hóa đơn cho người mua theo quy định tại Khoản 4 Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, đã gửi cho người mua sau đó phát hiện sai sót về địa chỉ người bán, các nội dung khác không sai sót thì Công ty thực hiện xử lý hóa đơn có sai sót theo hướng dẫn khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP nêu trên.
Cung cấp dịch vụ mà có thu được tiền trước thì phải lập hóa đơn ngay khi thu được tiền
Theo Công văn số 43894/CTHN-TTHT ngày 31/7/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội giải đáp về hóa đơn thì:
Về nguyên tắc khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, Công ty phải lập hóa đơn giao cho người mua và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 9 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Hóa đơn xuất cho hộ kinh doanh có bắt buộc ghi mã số thuế không
Theo Công văn số 39620/CTHN-TTHT ngày 5/7/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xuất hóa đơn cho hộ kinh doanh thì:
Trường hợp nếu Công ty thực hiện xuất hóa đơn GTGT cho hộ kinh doanh hoặc cửa hàng (người mua) nhưng người mua không có mã số thuế thì Công ty lập hóa đơn theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP
b) Trường hợp người mua không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua. Một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại khoản 14 Điều này thì trên hóa đơn không phải thể hiện tên, địa chỉ người mua. Trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho khách hàng nước ngoài đến Việt Nam thì thông tin về địa chỉ người mua có thể được thay bằng thông tin về số hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh và quốc tịch của khách hàng nước ngoài.
Tên người bán trên hóa đơn có được viết tắt không?
Theo Công văn số 38537/CTHN-TTHT ngày 28/6/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về nội dung trên hóa đơn thì:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, khi bán hàng, Chi nhánh phải thể hiện tên, địa chỉ, mã số thuế của Chi nhánh trên hóa đơn theo đúng tên, địa chỉ, mã số thuế ghi tại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Trường hợp trên giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh có thể hiện nội dung tên chi nhánh viết tắt thì Chi nhánh được sử dụng tên chi nhánh viết tắt trên hóa đơn.
Thu lại tiền phí chi hộ có phải lập hóa đơn không?
Theo Công văn số 29270/CTHN-TTHT ngày 20/5/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế thì:
Trường hợp Công ty kinh doanh dịch vụ giao nhận vận tải có phát sinh chi hộ khách hàng khoản phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng theo đúng quy định của pháp luật. Nếu Biên lai ghi tên, địa chỉ, mã số thuế Công ty, thì khi thu lại khoản tiền chi hộ này, Công ty phải lập hóa đơn theo quy định.
Phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điểm c Khoản 26 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
Chi nhánh bán hàng cho trụ sở chính cũng phải lập hóa đơn và tính thuế GTGT
Theo Công văn số 24944/CTHN-TTHT ngày 26/4/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn chính sách thuế GTGT và thuế TNDN thì:
Trường hợp Chi nhánh Bắc Giang tự khai thuế GTGT thì khi Chi nhánh xuất hàng hóa bán cho trụ sở chính thì Chi nhánh lập hóa đơn giá trị gia tăng theo quy định khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Giá tính thuế GTGT xác định và giá bán chưa bao gồm thuế GTGT theo quy định tại Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại khoản Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Thời điểm tính thuế GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền, theo quy định tại Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
1. Về khai thuế, nộp thuế GTGT:
Trường hợp đơn vị phụ thuộc (chi nhánh) của Công ty trực tiếp kinh doanh, sử dụng hóa đơn đăng ký với cơ quan thuế quản lý chi nhánh, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế GTGT đầu ra, đầu vào thì chi nhánh khai thuế, nộp thuế GTGT cho cơ quan quản lý trực tiếp chi nhánh theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Thông tư số 80/2021/TT-BTC.
2. Về xác định ưu đãi thuế TNDN:
Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai.
Doanh nghiệp tự xác định các điều kiện ưu đãi thuế, mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế, số lỗ được trừ (-) vào thu nhập tính thuế để tự kê khai và tự quyết toán thuế với cơ quan thuế theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.
Xử lý Hóa đơn ghi sai tiền thuế: có thể điều chỉnh hoặc thay thế
Theo Công văn số 18360/CTHN-TTHT ngày 8/4/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xử lý hóa đơn sai sót thì:\
Trường hợp Công ty đã lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng mà sau đó phát hiện có sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn hoặc sai về thuế suất, tiền thuế thì có thể lựa chọn lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hoặc hóa đơn điện tử thay thế theo hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP
Xử lý việc Chấm dứt hợp đồng cho thuê kho trước hạn:
Theo Công văn số 17339/CTHN-TTHT ngày 3/4/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xử lý hóa đơn có sai sót thì:
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn về xử lý hóa đơn điện tử, bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử đã gửi cơ quan thuế có sai sót trong một số trường hợp:
“b) Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bản thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/202Q/NĐ-CP;”
Căn cứ các quy định trên, trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước khi cung cấp dịch vụ cho thuê kho, sau đó chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, thì người bán xử lý hóa đơn đã lập theo hướng dẫn tại theo hướng dẫn tại Điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Điểm b Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính.
Các lưu ý về hóa đơn, chứng từ khi bồi thường bảo hiểm
Theo Công văn số 1326/TCT-CS ngày 1/4/2024 của Tổng cục Thuế về hóa đơn, chứng từ thì:
Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho khách hàng mua bảo hiểm theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thì:
1. Đối với trường hợp người tham gia bảo hiểm cung cấp hóa đơn mua hàng hóa hoặc dịch vụ sửa chữa (hóa đơn mang tên Công ty bảo hiểm hoặc mang tên khách hàng khi được Công ty bảo hiểm ủy quyền theo quy định, hoặc khách hàng xuất hóa đơn cho Công ty bảo hiểm), Công ty bảo hiểm thực hiện thanh toán cho người tham gia bảo hiểm với giá trị tương ứng theo hợp đồng thì Công ty được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn GTGT; trường hợp phần bồi thường bảo hiểm do Công ty bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
2. Trường hợp Công ty bảo hiểm bồi thường bằng tiền cho người tham gia bảo hiểm thì lập chứng từ theo quy định.
3. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đứng tên trên hợp đồng đồng bảo hiểm, đã chi trả tiền bảo hiểm, thực hiện thu đối với số tiền bồi thường đối với các doanh nghiệp đồng bảo hiểm thì đề nghị Cục Thuế căn cứ nguyên tắc lập hóa đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và căn cứ theo hợp đồng đồng bảo hiểm để hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.
Cách ghi nội dung trên hóa đơn điều chỉnh
Theo Công văn số 16267/CTHN-TTHT ngày 29/3/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xuất hóa đơn điều chỉnh thì:
Trường hợp người bán lựa chọn hình thức xử lý hóa đơn đã lập có sai sót theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP bằng cách lập hóa đơn điều chỉnh thì người bán thực hiện điều chỉnh toàn bộ thông tin dòng hàng hóa (bao gồm: tên hàng hóa dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thuế suất, thành tiền chưa thuế), điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021.
Xử lý Hủy nhầm hóa đơn điện tử
Theo Công văn số 15739/CTHN-TTHT ngày 28/3/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xử lý các hóa đơn bị hủy do thao tác sai khi gửi mẫu 04/SS-HDDT thì:
Trường hợp Chi nhánh Công ty hủy nhầm hóa đơn điện tử được cấp mã cơ quan thuế đã gửi người mua thì hóa đơn này không còn giá trị sử dụng theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Chi nhánh Công ty thực hiện lập hóa đơn mới theo đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP .
Theo Công văn số 3007/CTHN-TTHT ngày 16/1/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội quy định về hóa đơn thì:
Trường hợp Công ty hủy hóa đơn số 14467, ký hiệu: 1C22TAB, ngày lập: 05/10/2022 thì hóa đơn này không có giá trị sử dụng theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Công ty thực hiện lập hóa đơn mới theo đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP .
Trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế áp dụng xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều kiện sử dụng hóa đơn trong thời gian bị cưỡng chế
Theo Công văn số 672/TCT-QLN ngày 26/2/2024 của Tổng cục Thuế về cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh thì:
Trường hợp người nộp thuế đang bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước. Việc cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và hướng dẫn tại Quy trình quản lý hóa đơn điện tử. Theo đó, người nộp thuế gửi đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế đến cơ quan thuế và truy cập vào hệ thống lập hóa đơn điện tử của cơ quan thuế để lập hóa đơn điện tử. Bộ phận tiếp nhận dữ liệu có thể đối chiếu thêm hồ sơ của bộ phận QLN và CCNT chuyển sang, bao gồm: Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, chứng từ nộp ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn, tài liệu liên quan khác (nếu có). Trường hợp cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh cho NNT đang bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn thì không áp dụng Mẫu số 04-2/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Doanh nghiệp bị cưỡng chế có thể xin cấp nhiều hóa đơn lẻ trong một lần
Theo Công văn số 91/TCT-QLN ngày 9/1/2024 của Tổng cục Thuế về việc sử dụng hóa đơn thì:
Ngày 27/12/2021, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5113/TCT-CS gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử, tại điểm 5 Phụ lục kèm theo công văn số 5113/TCT-CS nêu trên đã hướng dẫn về việc sử dụng nhiều hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi đề nghị cấp hóa đơn theo từng lần phát sinh, cụ thể:
“ Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn có cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho nhiều khách hàng khác nhau thì khi đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh, doanh nghiệp được đề nghị một lần sử dụng nhiều hóa đơn điện tử và doanh nghiệp phải thực hiện nộp đủ số thuế phải nộp theo quy định hoặc nộp 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ ”
Xử lý hàng bán bị trả lại khi người mua Từ chối nhận hàng do sai quy cách hoặc kém chất lượng
Theo Công văn số 8119/CTHN-TTHT ngày 16/2/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xử lý đối với hóa đơn đã lập thì:
Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã gửi cho người mua sau đó Công ty phát hiện hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì Công ty thực hiện xử lý hóa đơn theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 78/2021/TT-BTC.
Kế Toán Thiên Ưng mời các bạn tham khảo thêm nội dung: Cách lập hóa đơn hàng bán trả lại theo thông tư 78 và NĐ 123
Công ty phải lập hóa đơn cho số hàng giao chi nhánh bán ra
Theo Công văn số 5814/CTHN-TTHT ngày 29/1/2024 của Cục Thuế TP. Hà Nội về xuất hóa đơn cho chi nhánh thì:
Trường hợp Công ty xuất điều chuyển hàng hóa cho chi nhánh để bán, chi nhánh khi bán hàng đã lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về Công ty thì Công ty phải lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho chi nhánh theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP .
Trường hợp Công ty lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế áp dụng xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Hàng xuất khẩu được lập hóa đơn sau khi thông quan
Theo Công văn số 120/TCT-CS ngày 10/1/2024 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế thì:
trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính thì cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ lập hóa đơn giá trị gia tăng điện tử cho hàng hóa xuất khẩu sau khi làm xong thủ tục xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu.
Giá trị quyết toán khác giá trị nghiệm thu, có thể lập hóa đơn điều chỉnh hoặc thay thế
Theo Công văn số 5966/TCT-CS ngày 27/12/2023 của Tổng cục Thuế về hóa đơn điện tử thì:
Trường hợp Công ty Cổ phần xây dựng Nasaco đã lập hóa đơn GTGT cho khối lượng công trình tại thời điểm nghiệm thu, sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Tài chính hoặc Kiểm toán Nhà nước) thẩm định, phê duyệt giá trị xây lắp hoàn thành khác với giá trị nghiệm thu thì Công ty thực hiện xử lý hóa đơn đã lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.