Cách tính thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn hiện này đang được Bộ Tài Chính hướng dẫn tại Điều 10 của thông tư 111/2013/TT-BTC
Cụ thể như sau:
Công thức tính thuế TNCN từ đầu tư vốn:
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp
|
= |
Thu nhập tính thuế |
× |
Thuế suất 5% |
Trong đó:
Thuế suất đối với thu nhập từ đầu tư vốn áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 5%.
Thu nhập tính thuế được xác định như sau:
Thu nhập tính thuế từ đầu tư vốn là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2023/TT-BTC, bao gồm các khoản sau:
Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức sau:
1. Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, nhóm cá nhân kinh doanh vay theo hợp đồng vay hoặc thỏa thuận vay, trừ lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng dẫn tại tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Trong đó: tiết g.1, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
g) Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.
g.1) Lãi tiền gửi được miễn thuế theo quy định tại điểm này là thu nhập cá nhân nhận được từ lãi gửi Đồng Việt Nam, vàng, ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng dưới các hình thức gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận.
Căn cứ để xác định thu nhập miễn thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi là sổ tiết kiệm (hoặc thẻ tiết kiệm), chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các giấy tờ khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi theo thỏa thuận.
2. Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.
3. Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, hợp tác xã, liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các hình thức kinh doanh khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã; lợi tức nhận được do tham gia góp vốn thành lập tổ chức tín dụng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng; góp vốn vào Quỹ đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
Không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ.
(Mục này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC)
4. Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.
5. Thu nhập nhận được từ lãi trái phiếu, tín phiếu và các giấy tờ có giá khác do các tổ chức trong nước phát hành, trừ thu nhập theo hướng dẫn tại tiết g.1 và g.3, điểm g, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.
6. Các khoản thu nhập nhận được từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác kể cả trường hợp góp vốn đầu tư bằng hiện vật, bằng danh tiếng, bằng quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế.
7. Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với một số trường hợp như sau:
1. Đối với thu nhập từ giá trị phần vốn góp tăng thêm theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.
Trong đó: điểm d, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
3. Thu nhập từ đầu tư vốn
Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
d) Phần tăng thêm của giá trị vốn góp nhận được khi giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hoặc khi rút vốn.
2. Đối với thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.
Trong đó: điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
3. Thu nhập từ đầu tư vốn
Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
g) Thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu, thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn.
3. Đối với thu nhập từ cổ tức trả bằng cổ phiếu theo hướng dẫn tại điểm g, khoản 3, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng cổ phiếu.
4. Trường hợp cá nhân nhận được thu nhập do việc đầu tư vốn ra nước ngoài dưới mọi hình thức thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm cá nhân nhận thu nhập.
Lưu ý: Đối với trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn
Theo quy định tạo Khoản 9, Điều 26 Thông tư của Thông tư 111/2013/TT-BTC thì: Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ đầu tư vốn.
Sau đây, Công ty đào tạo Kế Toán Thiên Ưng sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể để hướng dẫn cách tính thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn
Anh Nguyễn Văn Minh cho Công ty Kế Toán Thiên Ưng vay tiền:
+ Số tiền: 1 tỷ đồng
+ Lãi suất: 1%/tháng
+ Thời hạn vay: 6 tháng (Từ ngày 01/07/2024 đến ngày 31/12/2024)
+ Thời điểm trả lãi: Cuối mỗi tháng
Mức lãi suất hàng tháng mà công ty Kế Toán Thiên Ưng phải trả cho anh Minh là:
1.000.000.000 x 1% = 10.000.000đ/tháng
Theo quy định tại khoản 3, Điều 2 của Thông tư 111/2023/TT-BTC thì Tiền lãi nhận được từ việc cho các tổ chức, doanh nghiệp vay là thu nhập từ đầu tư vốn => Sẽ phải chịu thuế TNCN => Khi anh Minh nhận được tiền lãi từ Công ty Kế Toán Thiên Ưng sẽ phải tính thuế TNCN từ đầu tư vốn
Thời điểm tính thuế là thời điểm công ty Kế Toán Thiên Ưng trả tiền lãi cho anh Minh (cuối mỗi tháng)
Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 5% = 10.000.000 x 5% = 500.000đ/tháng
Theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 25 của Thông tư 111/2023/TT-BTC thì: Doanh nghiệp trả thu nhập từ đầu tư vốn có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả thu nhập cho cá nhân
=> Hàng tháng, khi trả tiền lãi vay cho anh Minh, Công ty Kế Toán Thiên Ưng có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là 500.000đ trước khi trả tiền lãi vay cho anh Minh
=> Số tiền anh Minh còn được nhận hàng tháng là: 10.000.000 tiền lãi - 500.000 tiền thuế TNCN từ đầu tư vốn = 9.500.000đ
=> Công ty Kế Toán Thiên Ưng có trách nhiệm kê khai và nộp số thuế TNCN từ đầu tư vốn đã khấu trừ này về ngân sách nhà nước
Chi tiết các bạn xem tại đây: Cách kê khai thuế TNCN từ đầu tư vốn