Theo hướng dẫn tại tiết b.6, điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
.....
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
.....
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
.....
Các khoản phụ cấp, trợ cấp và mức phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế hướng dẫn tại điểm b, khoản 2, Điều này phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
......
Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế.
Vậy là: Đối với khoản tiền trợ cấp thôi việc này thì:
+ Trường hợp doanh nghiệp trả khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc theo đúng đối tượng và mức quy định của Bộ Luật lao động thì khoản thu nhập này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động theo hướng dẫn tại tiết b.6, điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
+ Trường hợp doanh nghiệp trả khoản trợ cấp thôi việc cho người lao động nghỉ việc cao hơn mức quy định của Bộ Luật lao động thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.
Sau đây, Kế Toán Thiên Ưng sẽ lấy 1 vài tình huống theo ví dụ cụ thể để các bạn hiểu rõ hơn khi nào thì khoản trợ cấp thôi việc sẽ bị tính thuế TNCN và trường hợp nào thì khoản trợ cấp thôi việc sẽ không bị tính thuế TNCN
Ví dụ: Chị Nguyễn Thị Minh có thời gian làm việc thực tế tại Công ty Kế Toán Thiên Ưng:
+ Từ tháng 01/2022 đến hết tháng 02/2022: Thử việc (không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp)
+ Từ tháng 03/2022 đến hết tháng 02/2024: Làm việc theo hợp đồng lao động 24 tháng:
+/ Tiền lương: 8.000.000đ/tháng (cố định trong suốt 24 tháng)
+/ Có tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định
+/ Trong khoảng thời gian này, chị Minh có nghỉ chế độ thai sản 6 tháng: Từ tháng 3/2023 đến hết tháng 8/2023 (không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp)
=> Khi hết hạn hợp đồng vào cuối tháng 02/2024, hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động
=> Khi nghỉ việc, chị Minh có phát sinh khoản trợ cấp thôi việc theo những tình huống như sau:
Tình huống số 1: Doanh nghiệp chi trả khoản trợ cấp thôi việc cho đúng đối tượng và mức quy định của Bộ Luật lao động
Vì:
+ Chị Minh đã làm việc thường xuyên cho cho công ty Kế Toán Thiên Ưng từ đủ 12 tháng trở lên
+ Và chị Minh không thuộc trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
+ Và cũng không thuộc trường hợp tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên
Do đó, chị Minh thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại điều 46 của Bộ luật Lao động
=> Khi chị Minh nghỉ việc, công ty Kế Toán Thiên Ưng có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho chị Minh
Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 X Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc X Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì mức hưởng trợ cấp thôi việc của chị Minh được xác định như sau:
+ Thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc = 02 tháng thử việc + 06 tháng nghỉ thai sản = 08 tháng
=> Vì có tháng lẻ trên 06 tháng nên được tính bằng 01 năm làm việc.
+ Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc
=> Vì chị Minh cố định trong suốt 24 tháng làm việc tại công ty Kế Toán Thiên Ưng là 8.000.000đ/tháng nên:
Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chị Minh thôi việc = 8.000.000đ
=> Tiền trợ cấp thôi việc của chị Minh = 1/2 X 8.000.000đ X 1 năm = 4.000.000đ
=> Công ty Kế Toán Thiên Ưng đã chi trả khoản trả trợ cấp thôi việc cho chị Minh là 4.000.000đ
=> Khi nhận được khoản tiền trợ cấp thôi việc là 4.000.000đ này chị Minh không bị tính khoản thu nhập này vào thu nhập chịu thuế TNCN
Tình huống số 2: Doanh nghiệp chi trả khoản trợ cấp thôi việc cao hơn mức quy định của Bộ Luật lao động
Khi chị Minh Nghỉ việc thì ngoài việc nhận được khoản tiền trợ cấp thôi việc là 4.000.000đ như ở tình huống số 1 ra thì chị Minh còn được công ty Thiên Ưng hỗ trợ thêm 1.000.000đ nữa để tìm việc mới
=> Đối với khoản tiền 5.000.000đ được nhận khi nghỉ việc này thì:
+ Chị Minh không bị tính vào thu nhập chịu thuế TNCN số tiền là: 4.000.000đ (Đây là số tiền trợ cấp thôi việc theo đúng mức quy định của Bộ Luật lao động nên không bị tính thuế)
+ Còn số tiền được hỗ trợ thêm là 1.000.000đ sẽ phải cộng vào thu nhập chịu thuế để tính thuế TNCN (Vì đây là phần vượt cao hơn mức quy định của Bộ Luật lao động nên phần vượt này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động để tính thuế TNCN)
Lưu ý với các bạn là: Trợ cấp thôi việc khác với Trợ cấp thất nghiệp nhé
Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động
Còn
Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền mà người lao động nhận được từ cơ quan bảo hiểm xã hội khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa tìm được việc làm mới.