Chi phí mua bảo hiểm sức khỏe - Bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên có được trừ khi tính thuế TNDN. Bảo hiểm nhân thọ có phải đóng thuế TNCN, quy định thuế TNCN đối với bảo hiểm nhân thọ.
1. Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ được trừ khi tính thuế TNDN:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 25/2018/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/05/2018 Sửa đổi, bổ sung điểm 2.11 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) thì:
“2.11. Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại điểm này còn phải được ghi cụ thể Điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
Doanh nghiệp không được tính vào chi phí đối với các Khoản chi cho Chương trình tự nguyện nêu trên nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).
Vậy là:
Nếu doanh nghiệp có khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động thì sẽ được tính vào làm chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu đáp ứng được đồng thời tất cả các điều kiện sau:
* Điều kiện 1: Về mức chi: Không được vượt quá 03 triệu đồng/tháng/người:
+ Nếu mức chi không vượt quá 3 triệu đồng/tháng/người: thì sẽ được tính hết vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
+ Nếu mức chi vượt quá 3 triệu đồng/tháng/người: thì chỉ được tính vào chi phí được trừ tối đa là 3 riệu đồng/tháng/người, còn phần vượt cao hơn mức 3 triệu đồng/tháng/người sẽ bị loại ra khỏi chi phí được trừ tính thuế TNDN
Ví dụ 1: Công ty Thiên Ưng có chi tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho chị Nguyễn Thị Minh là 2 triệu đồng/tháng
=> Vì mức chi đang không vượt quá 3 triệu đồng/tháng/người nên khoản tiền chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho chị Nguyễn Thị Minh là 2 triệu đồng/tháng này sẽ được tính hết vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Ví dụ 2: Công ty Thiên Ưng có chi tiền mua bảo hiểm nhân thọ cho anh Trần Văn Mạnh là 4 triệu đồng/tháng
=> Vì mức chi đang vượt quá 3 triệu đồng/tháng/người nên đối với khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho anh Trần Văn Mạnh này thì chỉ được tính vào chi phí được trừ là 3 triệu đồng/tháng, còn phần vượt cao hơn mức 3 triệu đồng/tháng là 1 triệu đồng/tháng sẽ bị loại ra khỏi chi phí được trừ tính thuế TNDN
* Điều kiện 2: Về Hồ sơ chi phí: phải được ghi cụ thể Điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau:
+ Hợp đồng lao động
+ Thỏa ước lao động tập thể
+ Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;
+ Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
* Điều kiện 3: Về nghĩa vụ tham gia bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp: phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động
=> Nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc) thì doanh nghiệp sẽ không được tính vào chi phí được trừ đối với các Khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động
----------------------------------------------------------------------------
2. Bảo hiểm nhân thọ có phải đóng thuế TNCN:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung tiết đ.2 điểm đ khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
........
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
.............
đ.2) Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), ... mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.
=> Vậy là:
- Nếu mua bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm: -> Thì khoản này chịu thuế TNCN.
- Nếu mua bảo hiểm nhân thọ KHÔNG có tích lũy về phí bảo hiểm (Như: Bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kỳ): -> Thì khoản này KHÔNG chịu thuế TNCN
---------------------------------------------------------------
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung điểm n khoản 1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:
Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế
n) Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật. Cụ thể trong một số trường hợp như sau:
n.1) Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe là khoản tiền mà cá nhân nhận được do tổ chức bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trả cho người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là văn bản hoặc quyết định bồi thường của tổ chức bảo hiểm hoặc tòa án và chứng từ trả tiền bồi thường.
n.2) Thu nhập từ tiền bồi thường tai nạn lao động là khoản tiền người lao động nhận được từ người sử dụng lao động hoặc quỹ bảo hiểm xã hội do bị tai nạn trong quá trình tham gia lao động. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là văn bản hoặc quyết định bồi thường của người sử dụng lao động hoặc tòa án và chứng từ chi bồi thường tai nạn lao động.
Cách tính thuế TNCN bảo hiểm nhân thọ:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:
6. Căn cứ tính thuế đối với tiền tích lũy mua bảo hiểm không bắt buộc là khoản tiền phí tích lũy mua bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động và tỷ lệ khấu trừ 10%.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động chưa phải tính vào thu nhập chịu thuế khi người sử dụng lao động mua bảo hiểm. Đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Trường hợp khoản phí tích lũy được trả nhiều lần thì tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng với từng lần trả tiền phí tích lũy.
Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động.
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm theo dõi riêng phần phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác do người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động để làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.”
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 92/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung tiết b.4 điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:
b.4) Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ thuế đối với khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Tổ chức, cá nhân trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ thuế trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động đối với khoản bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập mua cho người lao động. Số thuế khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.”
----------------------------------------------------------------------
Một số Công văn hướng dẫn về Chi phí bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên:
Công văn số 20651/CT-TTHT ngày 8/4/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội
Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thì đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, Công ty bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần Công ty mua cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số92/2015/TT-BTC.
Trường hợp Công ty mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp trước khi trả lương cho người lao động
Theo Công văn 9541/CT-TTHT ngày 13/03/2018 của Cục thuế TP Hà Nội:
"Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm cho người lao động thì:
Về thuế TNCN: Không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm.
Về thuế TNDN: Khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm cho người lao động là khoản chi có tính chất phúc lợi được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu khoản chi này đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Tổng mức chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 2.30 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế phát sinh, đối chiếu với các quy định và hướng dẫn nêu trên để thực hiện.
Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với Phòng kiểm tra thuế số 1 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./."
-----------------------------------------------------------------
Theo Công văn 5638/TCT-TNCN ngày 08/12/2017 của Cục thuế TP Hà Nội:
"Theo hướng dẫn nêu trên thì khoản bảo hiểm sức khoẻ (khoản bảo hiểm không bắt buộc không tích lũy về phí bảo hiểm) mà người sử dụng lao động mua cho người lao động không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động kể từ ngày 01/01/2015.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục thuế TP.Hà Nội được biết./."
-----------------------------------------------------------------
Theo Công văn 75547/CT-TTHT ngày 20/11/2017 của Cục thuế TP Hà Nội:
"Căn cứ các quy định trên:
1. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền phí tích lũy mà người sử dụng đã mua cho người lao động trước khi đáo hạn hoặc rút một phần giá trị hợp đồng:
(i) Doanh nghiệp bảo hiểm khấu trừ 10% tương ứng với số tiền phí tích lũy mà doanh nghiệp sử dụng lao động mua cho người lao động vào thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm chi trả tiền cho người lao động (kể cả khi chưa đến thời điểm đáo hạn hợp đồng).
Trường hợp người lao động nhận được lãi từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì khoản lãi này thuộc khoản thu nhập được miễn thuế TNCN.
Trường hợp chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm, nếu tại thời điểm thay đổi chủ hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trả khoản phí tích lũy cho cá nhân thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo quy định.
(ii) Việc khấu trừ 10% được tính trên số tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động (không phân biệt số tiền thực nhận lớn hơn hay nhỏ hơn số tiền phí tích lũy).
2. Khoản tiền mua bảo hiểm nhân thọ có tích lũy về phí bảo hiểm thuộc các khoản lợi ích chịu thuế TNCN ngoài tiền lương, tiền công theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Khi người sử dụng lao động mua bảo hiểm có tích lũy về phí bảo hiểm thì chưa phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động. Khi doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền phí tích lũy mà người sử dụng đã mua cho người lao động thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo hướng dẫn tại mục 1 nêu trên.
Trường hợp còn vướng mắc, đề nghị Công ty liên hệ với phòng Kiểm tra thuế số 6 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty được biết và thực hiện./."
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Kế toán Thiên Ưng chúc các bạn thành công!
------------------------------------------------------------------------------------------